Nêu 48 dự án, Quảng Bình kêu gọi số vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã công bố danh sách 48 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020 với với tổng số vốn lên đến hơn 50.000 tỷ đồng.
Nêu 48 dự án, Quảng Bình kêu gọi số vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng ảnh 1Các đại biểu tại hội thảo. (Nguồn: BIDV)

Chiều ngày 15/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội thảo gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Bình với các nhà đầu tư tiềm năng năm 2018. Hội thảo thu hút gần 100 doanh nghiệp và nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam như: EVN, Vinatext, Vingroup, Sungroup, FLC, Hanoitourist, Vietravel, FPT, C.E.O, Eurowindow Holding, TMS…

[BIDV dành 15.000 tỷ đồng hỗ trợ các nhà đầu tư vào tỉnh Quảng Trị]

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp về tiềm năng, lợi thế và kêu gọi đầu tư các lĩnh vực: Du lịch dịch vụ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng... trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Cùng với đó, Quảng Bình cũng thông tin về các cơ chế chính sách, các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã công bố danh sách 48 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020 với với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 50.000 tỷ đồng, diện tích đất phục vụ cho các dự án trên 8.000 ha. Trong đó lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, tỉnh ưu tiên kêu gọi 6 dự án khu nghỉ dưỡng ven biển, 8 dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái, 3 dự án trung tâm thương mại, với tổng số vốn mời gọi đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng, diện tích đất phục vụ dự án hơn 1.500 ha.

Lĩnh vực công nghiệp, tỉnh mời gọi đầu tư 5 dự án: Phát triển điện gió Quảng Bình; phát triển điện mặt trời Quảng Bình; nhà máy sản xuất, lắp rắp đồ điện dân dụng, điện tử, viễn thông và công nghiệp; nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện năng và nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ôtô… với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 8.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng phê duyệt mời gọi đầu tư 8 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 3 dự án lĩnh vực y tế, đào tạo; 8 dự án hạ tầng khu dân cư, đô thị và 5 dự án hạ tầng khu công nghiệp. Các dự án này được đánh giá đầy tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Quảng Bình hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và của Đông Nam Á. Quảng Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh tốt của Việt Nam. Minh chứng là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Quảng Bình liên tục nhiều năm liền đứng đầu cả nước cùng với thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn luôn làm hài lòng các nhà đầu tư."

Cũng theo ông Hoài, từ 2014 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 312 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 43.420 tỷ đồng. Đến nay, nhiều dự án đã triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, một số dự án đã tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả như: Dự án may xuất khẩu của Công ty S&D; dự án khách sạn Mường Thanh 5 sao; dự án phát triển hệ thống Logicstic Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo; dự án Trung tâm thương mại - siêu thị Co-opmart; dự án nuôi bò thịt công nghệ cao của Tập đoàn Hòa Phát; dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn và khu nhà phố thương mại Shophouse tại thành phố Đồng Hới của Vingroup…

Nhiều dự án đang trong quá trình triển khai, sẽ hoàn thành trong thời gian tới như: Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC; sân golf Bảo Ninh-Hải Ninh; khách sạn 5 sao Pullman; khách sạn Duy Tân Quảng Bình…

Tại hội thảo, đại diện một số nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sungroup, FLC, Vietravel đã đánh giá cao sự phối hợp của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trong quá trình triển khai thực hiện dự án như hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng làm cho dự án được triển khai đúng tiến độ và tiết kiệm nhiều thời gian cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cũng cho rằng, Quảng Bình muốn phát triển hơn nữa thì phải tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng hàng không vì hiện nay sân bay Đồng Hới chưa đáp ứng được việc đi lại của hành khách. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng cần tập trung vào việc đào tạo như đào tạo về dịch vụ, khách sạn và một số lĩnh vực khác.

Trả lời vấn đề này, ông Hoài thừa nhận, mặc dù sân bay Đồng Hới được sếp thứ 8 trong 24 sân bay trên toàn quốc, kể cả đường cất hạ cánh tự động, đèn đêm và đài quản lý trên không. Tuy nhiên, hiện sân bay này mới chỉ đáp ứng được 400.000 khách/năm, trong khi đó, năm 2017 sân bay Đồng Hới đã đón 500.000 khách/năm nên thường bị quá tải.

"Chính vì vậy chúng tôi đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đã cho lập quy hoạch và phê duyệt dự án xong, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam sẽ đầu tư 500 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng sân bay Đồng Hới và dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ khởi công để đảm bảo đến cuối năm 2019 đưa vào khánh thành với quy mô đón 2 triệu khách/năm," ông Hoài cho biết.

Với vai trò là một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, BIDV luôn tiên phong trong thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, nhằm ổn định và phát triển kinh tế.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, đến thời điểm hiện tại tổng huy động vốn của BIDV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đạt 10.600 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đạt khoảng 13.100 tỷ đồng, riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn BIDV đang tài trợ cho 612 doanh nghiệp với tổng dư nợ 10.000 tỷ đồng.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình năm 2018 sẽ được tổ được vào tháng Bảy tới, BIDV sẽ tiếp tục tham gia với tư cách nhà đồng tổ chức, đồng tài trợ./.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kêu gọi đầu tư vào 48 dự án của tỉnh
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục