Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Áo trục xuất hàng chục giáo sỹ Hồi giáo

Ngay sau khi Áo công bố kế hoạch trục xuất hàng chục giáo sỹ Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức chỉ trích rằng động thái này "mang tính phân biệt và bài Hồi giáo."
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Áo trục xuất hàng chục giáo sỹ Hồi giáo ảnh 1Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: EEZ)

Ngay sau khi Áo công bố kế hoạch trục xuất hàng chục giáo sỹ Hồi giáo và đóng cửa 7 đền thờ của người Hồi giáo ở nước này, Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức chỉ trích rằng động thái này "mang tính phân biệt và bài Hồi giáo."

Trên trang mạng Twitter, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nhấn mạnh quyết định của Áo trục xuất tới 60 giáo sỹ và đóng cửa 7 đền thờ Hồi giáo với lý lẽ "không thỏa đáng" đã phản ánh làn sóng bài Hồi giáo, cũng như xu hướng dân túy ở Áo.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thông báo nước này sẽ trục xuất hàng loạt giáo sỹ Hồi giáo được nước ngoài hỗ trợ tài chính, đồng thời đóng cửa 7 đền thờ trong một chiến dịch an ninh nhằm vào "đạo Hồi mang tính chính trị."

Trong số các đền thờ Hồi giáo bị đóng cửa có một đền thờ của người Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Vienna. Thủ tướng Kurz khẳng định chính trị hóa và cực đoan hóa đạo Hồi "không có chỗ" trên đất Áo.

[Thổ Nhĩ Kỳ có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sau tổng tuyển cử]

Quyết định trên được đưa sau cuộc điều tra của giới chức phụ trách các vấn đề về tôn giáo sau khi tuần báo Falter hồi tháng 4 vừa qua công bố các bức ảnh cho thấy những đứa trẻ ở một đền thờ Hồi giáo do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chơi trò đánh trận giả chiến dịch Gallipoli thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Những đứa trẻ này mặc quân phục, đi diễu hành và vẫy quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ. Đền thờ này thuộc sự quản lý của Hiệp hội Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ-Hồi giáo (ATIB), có trụ sở ở thành phố Cologne của Đức.

Ở thời điểm các bức ảnh trên được công bố, ATIB đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng đây là một sự việc "đáng tiếc."

Trận chiến Gallipoli kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12/1915, do quân đồng minh Anh-Pháp phát động nhằm chiếm thủ đô của Đế chế Ottoman (nay là thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng đã thất trận thảm hại.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, các chính đảng ở Áo đều kêu gọi siết chặt các quy định về nhập cư và ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa đạo Hồi.

Chính phủ Áo gần đây công bố các kế hoạch cấm các bé gái ở các trường tiểu học và mầm non đội khăn trùm đầu của người Hồi giáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục