Nam Sudan và Sudan thành lập lực lượng chung để bảo vệ các mỏ dầu

Nam Sudan và Sudan thành lập một lực lượng chung nhằm bảo vệ các mỏ dầu khỏi hoạt động phá hoại của phiến quân và đẩy mạnh sản xuất dầu, cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nam Sudan và Sudan thành lập lực lượng chung để bảo vệ các mỏ dầu ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Paloch, Nam Sudan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, ngày 7/6, Bộ trưởng Dầu khí Nam Sudan Ezekiel Lol Gatkuoth cho biết, nước này và Sudan đã tuyên bố thành lập lực lượng chung để tăng cường bảo vệ các mỏ dầu thuộc bang Unity nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất dầu tại đây không bị gián đoạn.

Theo Bộ trưởng Gatkuoth, việc thành lập lực lượng chung nằm trong những nỗ lực nhằm bảo vệ các mỏ dầu khỏi hoạt động phá hoại của phiến quân và đẩy mạnh sản xuất dầu, cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Gatkuoth cho biết thêm rằng hai bên sẽ tổ chức một cuộc họp tại thủ đô Khartoum của Sudan sau khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo kết thúc, nhằm thảo luận cách thức hợp tác sửa chữa hệ thống ống dẫn dầu đã hư hỏng và bị đóng cửa tại khu vực Hegleg, để nối lại hoạt động sản xuất một cách hiệu quả.

[Tổng thống Nam Sudan thăm Ethiopia bàn chấm dứt cuộc nội chiến]

Từ năm 2011, Nam Sudan đã tách khỏi Sudan và nắm giữ 3/4 số mỏ dầu. Tuy nhiên, hệ thống đường ống dẫn dầu, nhà máy lọc dầu và các cảng phục vụ xuất khẩu dầu vẫn thuộc quyền quản lý của Khartoum.

Năm 2012, Sudan và Nam Sudan đã ký kết một thoả thuận hợp tác toàn diện tại Ethiopia dưới sự bảo trợ của các quốc gia khác trong khu vực.

Thỏa thuận này bao gồm những điều khoản liên quan đến an ninh, tình trạng công dân, các vấn đề biên giới, kinh tế và sản xuất dầu.

Cuộc xung đột tại Nam Sudan giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Salvar Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar đã bước sang năm thứ 5.

Thỏa thuận hoà bình năm 2015 nhằm chấm dứt bạo lực đã tiếp tục bị vi phạm hồi tháng 7/2016 khi các phe phái đối địch giao tranh tại thủ đô Juba, buộc cựu Phó Tổng thống Machar phải lưu vong.

Bất chấp các nỗ lực quốc tế, xung đột đã khiến hàng triệu người dân Nam Sudan đã phải chạy trốn và trú ẩn tại các nước láng giềng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục