Nhận định đề thi: Cấu trúc đề Ngữ văn hầu như không thay đổi

Cấu trúc đề Ngữ văn hầu như không thay đổi là nhận định của một số giáo viên và tổ Ngữ văn HỌC MÃi về đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội.

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội: Đề thi năm nay có cấu trúc hợp lý, gồm hai phần với quỹ điểm 6- 4 như mọi năm. Cả hai phần đều bám sát kiến thức cơ bản của chương trình THCS, có sự kết hợp giữa các phân môn trong môn Ngữ văn là Văn học, Tiếng Việt, Tập làm văn, phần Nghị luận xã hội kết hợp Nghị luận văn học khá cân đối!.

Giám thị phát giấy thi cho thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

"Nội dung các câu hỏi trong phần I và II khá quen thuộc, không làm khó học trò, kiểm tra đồng đều các yêu cầu về kiến thức văn học, kiến thức tiếng Việt, kiến thức xã hội và các kĩ năng... “, TS Trịnh Thu Tuyết cho biết.


Tuy nhiên, theo TS Trịnh Thu Tuyết, qua bao năm thi tuyển sinh THPT, cấu trúc đề ngữ văn hầu như không thay đổi; dung lượng và tính chất các câu hỏi của hai phần gần như trùng nhau với những yêu cầu kiểm tra kiến thức Văn học/ Tiếng Việt/ Làm văn... Khác nhau duy nhất là hai đoạn văn với yêu cầu Nghị luận văn học và Nghị luận xã hội. Cấu trúc lặp lại yêu cầu trong hai phần độc lập của đề, sự lặp lại kiểu cấu trúc trong nhiều năm tất sẽ đem lại cảm giác đơn điệu nhàm chán cho trò khi làm bài, sự lười biếng cho thày khi dạy- luyện...


Đồng quan điểm này, tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng với tiêu đề: “Vẻ đẹp biển đảo quê hương và những ngư dân bám biển” thì so với đề thi năm 2017 và các năm trước, đề thi môn Ngữ văn vẫn giữ nguyên cấu trúc nội dung cũng như cách phân bố điểm cho từng phần. Mỗi phần đều có sự tích hợp giữa kiến thức của tác phẩm Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn".


Đi sâu vào phân tích từng câu cụ thể, tổ Ngữ văn, hệ thống giáo dục HOCMAI đưa ra:


Ở Phần I: Đề hỏi về bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận. Tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp giàu của biển đảo, quê hương và tinh thần lao động hăng say của những ngư dân bám biển. Đề thi năm nay mặc dù không có yêu cầu chép thuộc văn bản nhưng vẫn có câu hỏi (câu 1) yêu cầu học sinh phải tái hiện kiến thức.


Câu 2 hỏi về trường từ vựng, biện pháp tu từ đều là những kiến thức rất quen thuộc với các thí sinh. 


Câu 3 yêu cầu các em phải nhớ kiến thức của chương trình Ngữ văn 8 với bài thơ "Rằm tháng Giêng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Câu 4 là câu có điểm số lớn nhất của cả bài thi thuộc phần nghị luận văn học. Các em cần viết đoạn văn theo mô hình diễn dịch để phân tích hình ảnh người lao động trong khổ thứ 6 của bài thơ. Để đạt điểm tối đa của câu hỏi này, các em không chỉ phải phân tích kĩ càng nội dung đoạn thơ mà cần thực hiện đúng các yêu cầu phụ về hình thức đoạn văn và các yêu cầu Tiếng việt đi kèm.


Ở phần II: Đề hỏi về tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ. Câu hỏi giải thích từ “tiên nhân” có thể sẽ gây khó khăn cho thí sinh nếu không đọc kĩ văn bản. Câu nghị luận xã hội của đề yêu cầu bàn về vai trò của gia đình. Đây là chủ đề rất quen thuộc với các thí sinh nên nhiều bạn sẽ làm tốt câu hỏi này.


Với nội dung và cấu trúc như vậy, học sinh không cần phải học thuộc lòng và ghi nhớ quá nhiều mà chỉ cần hiểu được nội dung của tác phẩm, có kĩ năng đọc hiểu văn bản và khả năng diễn đạt tốt thì có thể hoàn thành bài thi.



Nhóm PV Báo Tin tức
Nóng: Đáp án đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT tại Hà Nội
Nóng: Đáp án đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT tại Hà Nội

Ngay khi môn thi Ngữ văn vừa kết thúc, tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI và admin "Học văn lớp 9" đã có hướng dẫn giải đề thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN