Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh

Các giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường là nội dung được nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Giáo dục-Đào tao.
Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Các giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/6.


Loại những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) nêu câu hỏi: Trong khi đa số các thầy cô giáo là những tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo, thời gian qua xảy ra một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, như cô giáo "câm," cô giáo đánh học sinh, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau… gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cho rằng phải chăng thầy cô giáo ngày nay đang phải chịu quá nhiều áp lực, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các thầy cô nhìn chung đều yêu trường, mến trẻ, nhưng xuất hiện một số giáo viên có hành động không phù hợp, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống tôn sư trọng đạo.

Nguyên nhân có nhiều, từ xã hội, gia đình, bản thân...; trong đó có trách nhiệm từ ngành, từ khâu kiểm soát, tuyển chọn chưa sát sao dẫn đến một số thầy cô không đủ năng lực, kém về phẩm chất.

[Tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại các trường đại học]

Theo Bộ trưởng, sự phản ánh, lên án của xã hội đối với hành vi phi nhân tính đã tác động rất lớn đến các thầy cô, là sự cảnh tỉnh đối với ngành, đối với trách nhiệm của hiệu trưởng.

“Để cho một cô giáo đến cả học kỳ không nói gì vẫn đứng lớp, trước hết phải xem xét hội đồng sư phạm, hiệu trưởng trách nhiệm ở đâu,” Bộ trưởng chỉ rõ và cho rằng hiện tượng này cũng có một phần do đội ngũ giáo viên chịu áp lực rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Những trường hợp đó là cá thể, không thể vì những việc nhỏ, thiểu số mà đánh đồng tất cả ngành. Chúng ta phải vững vàng nhưng kiên quyết, phải loại những trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh," Bộ trưởng nêu.

Đưa ra những giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho biết sẽ nâng cao khâu đào tạo, đưa vào trong chương trình đào tạo môn giáo dục đạo đức.

Tới đây, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành sẽ tăng cường về giáo dục công dân, đào tạo con người.

Với tư cách tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm đối với hạn chế trong đào tạo giáo viên, cả về chất lượng và kỹ năng, đồng thời cho biết sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chế độ đãi ngộ để làm sao các thầy cô yên tâm với nhiệm vụ của mình.

Thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm

Về tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên, đặc biệt là những sự cố đáng tiếc liên quan đến giáo viên gần đây, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) băn khoăn, liệu vấn đề này có liên quan đến việc tuyển sinh khối sư phạm thời gian vừa qua quá dễ dàng.

“Bộ trưởng có quan điểm gì trước ý kiến của cử tri cho rằng cần phải quy định các điều kiện được xét tuyển vào các trường sư phạm, ví dụ như về hình thức, chuẩn phát âm và học lực, đi đôi với việc bố trí công việc cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp,” đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung chất vấn.

Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thu Dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chia sẻ với quan điểm của đại biểu Dung, Bộ trưởng cho rằng, chất lượng đầu vào yếu sẽ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo.

“Sư phạm là ngành đặc thù, ngoài điểm ra còn chuẩn để tuyển sinh, giống như các ngành về nghệ thuật. Chúng tôi đang đề xuất với các trường về vấn đề này,” Bộ trưởng thông tin.

Cũng quan tâm tới chất lượng của sinh viên ngành sư phạm, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) chỉ rõ, cử tri hết sức lo ngại về chất lượng đầu vào của sinh viên ngành sư phạm hiện nay khi có nhiều chuyên ngành của các trường sư phạm có ngưỡng điểm tuyển sinh thấp.

Vấn đề đặt ra là tại sao ngưỡng điểm lại thấp, tại sao ngành sư phạm không thể thu hút được những học sinh có học lực giỏi vào học.

Theo đại biểu có 3 lý do chính. Đó là việc thu hút học sinh giỏi bằng hình thức miễn học phí không còn nhiều tác dụng; sinh viên ngành sư phạm ra trường còn thất nghiệp nhiều và do chế độ đãi ngộ của giáo viên chưa có cải thiện trong thời gian dài vừa qua.

“Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì để có thể thu hút được các em học sinh có học lực giỏi vào học ngành sư phạm như mong muốn của Bộ?," đại biểu Vũ Thị Nguyệt đặt câu hỏi.

Nhất trí với 3 lý do đại biểu nêu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra các giải pháp về phía ngành.

Theo đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát, xác định nhu cầu sử dụng giáo viên từ đó có kế hoạch gắn đào tạo với sử dụng.

Bộ cũng chỉ đạo quyết liệt việc quy hoạch lại các trường sư phạm theo hướng chỉ tập trung một số trường sư phạm lớn để làm sao mạng lưới đào tạo giáo viên phải thực sự chuyên nghiệp, hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp đồng bộ.

“Chúng tôi đang rà soát để làm sao khi thông báo tuyển sinh, người vào trường sư phạm thấy rõ cơ hội việc làm, giống như ngành công an, quân đội. Như vậy, tôi tin rằng học sinh giỏi vào ngành sư phạm rất cao,” Bộ trưởng nêu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục