World Cup 2018: Kazan – thủ đô hòa hợp tôn giáo của nước Nga

Nằm ở bờ trái con sông Volga hùng vĩ nhất nước Nga, nơi sông Kazanka đổ vào Volga. Tại Kazan cũng có Điện Kremlin như Moskva, vì cũng như Moskva, Kazan vốn là một thành phố-pháo đài.
World Cup 2018: Kazan – thủ đô hòa hợp tôn giáo của nước Nga ảnh 1Kazan – thủ đô hòa hợp tôn giáo của nước Nga. (Nguồn: Dreamstime)

Năm 2016, một kênh truyền hình giải trí của Nga đã nhận được đơn từ khán giả đề nghị trao danh hiệu Thủ đô thứ ba cho thành phố Kazan. Đề nghị tất nhiên mang tính chất ưu ái, song cũng nói lên một ý kiến đánh giá về thành phố thủ phủ của CH Tatarstan thuộc Nga đã hơn 1.000 năm tuổi này.

Nằm ở bờ trái con sông Volga hùng vĩ nhất nước Nga, nơi sông Kazanka đổ vào Volga, xuất hiện từ năm 1005 song đến năm 1552 Kazan mới thuộc về đế chế Nga thời Sa hoàng Ivan Hung bạo. Tại Kazan cũng có Điện Kremlin như Moskva, vì cũng như Moskva, Kazan vốn là một thành phố-pháo đài. Kremlin Kazan trắng muốt đối lập với Kremlin Moskva thắm đỏ.

Nếu Kremlin Moskva là nơi để du khách hào hứng có những bức ảnh “để đời” với tường thành uy nghi, những mái vòm nhà thờ dát vàng lộng lẫy và tiếng chuông đồng hồ đã trở thành dấu mốc chuyển thời khắc trọng đại trong năm, thì Kremlin Kazan là nơi để ta chậm bước, thả hồn vào những kỳ bí lịch sử cho đến khi ngỡ ngàng nhận ra đã đến trước nhà thờ Hồi giáo lớn nhất nước Nga, một trong những nhà thờ lớn nhất châu Âu, có nhiều tháp nhất trong các nhà thờ Hồi giáo, niềm tự hào của Kazan – Kul Sharif.

Chưa kịp hết thán phục trước vẻ đẹp cầu kỳ, tinh xảo đậm chất Hồi giáo nơi đây, du khách lại không khỏi ngỡ ngàng trước một kiến trúc baroque Nga điển hình – nhà thờ Chính thống giáo Petropavlov. Hai tôn giáo lớn là Hồi giáo và Chính thống giáo đã chung sống hòa bình suốt nhiều thế kỷ cho đến tận ngày nay trên mảnh đất Kazan.

[Đạp xe gần 4.000km qua 8 quốc gia để xem World Cup 2018]

Nhà thờ Hồi giáo bên cạnh nhà thờ Chính thống giáo, những tháp canh cổ từ thế kỷ 12 nhìn sang những tòa nhà chọc trời hiện đại của thế kỷ 21, những cô gái thuộc cả hai tôn giáo ríu rít ngoài phố, rồi chiều tối chụm đầu tại những quán cà phê phong cách châu Âu, tên bến xe viết bằng ba thứ tiếng: Nga, Tarta và Anh. Văn hóa, lịch sử phương Tây và phương Đông đã hòa trộn với nhau tại Kazan.

World Cup 2018 là dịp để du khách quốc tế theo nhiều tôn giáo kiểm chứng sự khoan dung tôn giáo ấy của Kazan. Kazan-Arena chung “cha đẻ” với sân vận động Fisht ở Sochi, Luzhniki ở Moskva và O2 tại London – kiến trúc sư người Australia Damon Lavelle, và không chỉ đơn thuần là một sân bóng đá, mà còn thực sự là một thành phố trong thành phố với đầy đủ hạ tầng cho mọi loại hình hoạt động vào mọi thời gian trong năm. Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Tatarstan Vladimir Leonov tuyên bố, với đẳng cấp thế giới, bất kỳ đội bóng nào cũng sẽ đánh giá cao sân vận động Kazan-Arena. Danh thủ Christiano Ronaldo đã là người kiểm chứng lời ông.

Với kinh nghiệm tổ chức thành công Đại hội Thể thao sinh viên thế giới (Universiad) 2013, Kazan đã sẵn sàng cho sự kiện lớn nhất hành tinh trong đời sống thể thao./.

Lịch các trận đấu diễn ra trên sân Kazan-Arena:
16/6 - Pháp-Australia
20/6 - Iran – Tây Ban Nha
24/6 - Ba Lan – Columbia
27/6 - Hàn Quốc – Đức
30/6 - trận đấu vòng tứ kết
6/7 - trận đấu vòng bán kết
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục