Xử lý ô nhiễm chất thải nhựa: Nên loại bỏ hay để 'biển đầy nhựa'?

Ngày 4/6, các nhà khoa học đã gọi ô nhiễm môi trường do chất thải chất thải túi nilon là “ô nhiễm trắng,” gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất, nước, đặc biệt là sức khỏe con người.
Xử lý ô nhiễm chất thải nhựa: Nên loại bỏ hay để 'biển đầy nhựa'? ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam được xác định là một trong 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới. Nếu tình trạng xả thải này vẫn tiếp diễn, trong tương lai gần “biển sẽ đầy rác thải nhựa thay vì cá.”

Trước thực trạng nêu trên, tại Hội thảo khoa học “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy” diễn ra ngày 4/6, tại tỉnh Bình Định, các nhà khoa học đã gọi ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi nilon là “ô nhiễm trắng,” gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất, nước, đặc biệt là sức khỏe con người.

Cảnh báo “ô nhiễm trắng”

Đề cập đến thực trạng phát thải túi nilon tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, cùng với sự gia tăng dân số và kinh tế, lượng chất thải nhựa và túi nilon phát sinh ngày càng tăng, vượt mức kiểm soát.

Theo Báo cáo Môi trường năm 2016, mỗi tháng, một hộ gia đình thải ra môi trường 1kg túi nilon. Chỉ riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường.

Ông Nhân cho biết, chất thải nhựa, túi nilon khi xả thải ra môi trường sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người; gây ô nhiễm môi trường đất, nước, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển hệ sinh thái.

“Khi thải ra môi trường, túi nilon phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Còn nếu đốt nilon sẽ tạo ra một lượng khí thải và chất độc dioxin và furan gây độc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người,” ông Nhân chia sẻ.

[EU đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần]

Có chung quan điểm, giáo sư tiến sỹ Đặng Thị Kim Chi, đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh, những năm gần đây, lượng rác thải tăng lên không ngừng cùng với nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa. Phần lớn sản phẩm nhựa mà con người đang sử dụng là nhựa dùng một lần sau đó thải bỏ.

Số liệu của Tổng cục Môi trường cũng cho thấy, người Việt Nam đang dùng khoảng 30-40 kg nhựa/người/năm, với dân số và nhu cầu tiêu dùng hiện nay thì số lượng túi nilon được tiêu thụ mỗi năm là con số không nhỏ.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 30 tấn nilon được sử dụng mỗi ngày trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; và 34-60 tấn nilon/ngày tương đương từ 5-9 triệu túi nilon/ngày từ các hộ dân.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 14% chất thải nhựa được thu hồi để tái chế. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong các nước phát sinh nhiều chất thải nhựa thì Việt Nam đứng hàng thứ 4, chỉ sau Trung Quốc, Indonexia, và Philippines.

Với hiện trạng trên, bà Chi cho rằng nếu lạm dụng quá mức túi nilon và việc thu gom, tái sử dụng túi nilon không tương thích sẽ dẫn tới tồn lưu chất thải nhựa tràn lan trong môi trường, từ đó sẽ gây nên hiện trạng “ô nhiêm trắng.”

“Chính do thời gian phân hủy của túi nilon quá chậm trong khi đó thời gian sử dụng lại ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại nên rác thải nhựa có thể gây tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe con người. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương,” bà Chi phân tích thêm.

Cần cuộc “cách mạng” loại bỏ túi nilon

Trước thảm họa do chất thải nhựa, túi nilon gây ra, giáo sư tiến sĩ Đặng Thị Kim Chi, đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho rằng Việt Nam cần có chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường; không khuyến khích sản xuất các sản phẩm nhựa, đặc biệt là các bao bì nhựa.

Đồng thời tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm; áp dụng biện pháp đánh thuế vào mặt hàng túi nilon. Đặc biệt là giảm thiểu tối đa hoặc cấm  sử dụng các loại bao bì chỉ sử dụng một lần mà không tái sử dụng như túi nilon, ống hút…

“Thay vào đó, chúng ta cần khuyến khích phát triển công nghệ thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường, có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Ví dụ sản xuất các loại túi đựng, bao bì có nguồn gốc thực vật như gỗ, mây, tre, lá dong, lá chuối…,” bà Chi khuyên nghị.

Đồng tình quan điểm áp dụng biện pháp đánh thuế vào mặt hàng túi nilon, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, ở Việt Nam, biện pháp này đã được đưa lên bàn thảo luận từ nhưng năm 2008. Theo đó, mức thuế sẽ được cộng vào giá thành của túi nilon và người tiêu dùng phải trả khi mua hàng.

Ngoài ra, trong những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến được áp dụng như các chiến dịch truyền thông “nói không với túi nilon”; “ngày không túi nilon”…Thế nhưng, chỉ riêng những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân riêng rẽ thì sẽ ‘không đủ sức’ để giảm thiểu tác hại do túi nilon gây ra.

“Vì thế, giải pháp cấp bách hiện nay là cần có ‘cuộc cách mạng tư tưởng” về nâng cao nhận thức, có chính sách thu thuế sử dụng túi nilon, cũng như tìm kiếm các sản phảm thay thế túi nilon; thậm chí là loại bỏ túi nilon bằng cách cấm sử dụng túi nilon dùng một lần ngay từ nguồn,” đại diện Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết sẽ tập hợp các giải pháp, giao Tổng cục Môi trường cũng như Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, để đưa ra những giải pháp đồng bộ, phù hợp với bối cảnh đề ô nhiễm môi trường hiện nay.

Kết thúc hội thảo, ông Nhân cũng kêu gọi sẽ tiếp tục nhận được đóng góp của các tổ chức, cá nhân về các giải pháp hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, từng bước thay thế việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, để Việt Nam thoải khỏi vấn nạn “ô nhiễm trắng.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục