Shangri-La 2018: Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông gần đây, nhấn mạnh không một nước nào nên và có thể giữ vai trò “thống trị” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Shangri-La 2018: Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 đang diễn ra tại Singapore, đại diện các quốc gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại nhằm giải quyết những thách thức đang đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, bao trùm các phát biểu tại 3 phiên toàn thể cũng như 6 phiên thảo luận, quan chức quốc phòng của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Indonesia… đều bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời cho rằng tình hình Bán đảo Triều Tiên tuy đã có những bước tiến triển tích cực, nhưng cũng vẫn còn cả chặng đường dài để đi đến mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn ở quốc gia Đông Bắc Á này.

Trong bài phát biểu mở màn phiên toàn thể thứ nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis  bên cạnh việc tái khẳng định cam kết của nước này trong việc duy trì vai trò ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, còn lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông gần đây.

Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh không một nước nào nên và có thể giữ vai trò “thống trị” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhưng người đứng đầu Lầu Năm góc cũng thừa nhận vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong việc duy trì trật tự ở khu vực và để đi đến mục tiêu này, các bên cần phải ngồi vào bàn đối thoại một cách cởi mở trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đảm bảo quyền bình đẳng của mỗi quốc gia, bất kể là nước lớn hay nước nhỏ.

Trong khi đó, người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo tại phiên họp toàn thể về "Giảm leo thang khủng hoảng Triều Tiên" cho rằng trên cơ sở đối thoại, tình hình Bán đảo Triều Tiên đã đạt được nhiều bước tiến nhất định đồng thời bày tỏ lạc quan rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cường xúc tiến các kênh kết nối với Triều Tiên để cùng với cộng đồng quốc tế kiến tạo hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.

Ông Song Young-moo cũng kêu gọi ủng hộ đối thoại để giúp Triều Tiên gia nhập cộng đồng quốc tế và theo ông, rất khó để có thể đối thoại với Triều Tiên và tạo lập hòa bình nếu vẫn còn hoài nghi về thiện chí của Bình Nhưỡng trong tương lai.

Lời kêu gọi này của Bộ trưởng Hàn Quốc được đưa ra nhằm “giải đáp” những hoài nghi của người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera về tuyên bố phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Theo ông Onodera, cách duy nhất để đem lại hòa bình là đảm bảo rằng Triều Tiên có các hành động cụ thể nhằm chấm dứt toàn bộ chương trình hạt nhân và chương trình phát triển vũ khí đạn đạo.

[Việt Nam khẳng định tự chủ, hợp tác là nền tảng cho hòa bình]

Lần đầu tiên đăng đàn tại Đối thoại Shangri-La, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhận được sự quan tâm đặc biệt của các diễn giả, đại biểu cũng như giới báo chí.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam là độc lập, tự chủ và tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương là con đường tốt nhất.

Và điều quan trọng là các quốc gia cần xây dựng sự tin cậy lẫn nhau thông qua tham vấn, trao đổi thông tin, tiếp xúc cấp cao và thúc đẩy hoạt động chung giữa các lực lượng quân đội và quan trọng nhất là các bên minh bạch hoá chính sách, thể hiện thiện chí, quyết tâm, thực hiện đúng các cam kết và nghĩa vụ pháp lý, lời nói phải đi đôi với việc làm.

Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.

Nhận định về các quan điểm này, giới phân tích cho rằng vấn đề hiện nay là các quốc gia cần phải biến lời nói thành hành động, hiện thực hóa các cam kết để giải quyết xung đột và tranh chấp; trong đó từng quốc gia phải ứng xử một cách có tránh nhiệm, thượng tôn luật pháp quốc tế và vì lợi ích chung của cả khu vực.

Nhìn nhận vai trò của Việt Nam trong tiến trình này, giáo sư Richard Ravad Heydarian, chuyên gia phân tích chính trị của Đại học Salle, Philippines, cho rằng vị thế của Việt Nam đang ngày càng tăng lên trong ASEAN, cũng như trong khu vực.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, chuyên gia này đánh giá cao lập trường tiên quyết của Việt Nam rằng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), những cam kết trong ASEAN, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tới đây là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là nền tảng để quản lý và giải quyết xung đột trên Biển Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục