Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự

Theo các chuyên gia, suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản để bảo đảm một hệ thống tư pháp hình sự công bằng.

Một hội thảo mới đây do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng Đại sứ quán 4 nước Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sỹ đã bàn về việc bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội. Đây là vấn đề đang rất thời sự trong thời điểm nhiều vụ án nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, nhiều mức án chưa được xã hội đồng thuận.

Tại Việt Nam, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Sau những vụ án oan sai như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén... nguyên tắc này đặc biệt được chú ý trong xét xử hình sự nhằm hạn chế oan sai. Các bị cáo không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình, ngược lại cơ quan điều tra phải tìm ra bằng chứng để kết tội bị cáo.

Các chuyên gia thảo luận về nguyên tắc suy đoán vô tội.

Ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

"Nguyên tắc suy đoán vô tội đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013, là nguyên tắc quan trọng cho việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự”, ông Phàn cho hay.

Ông Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam đồng tình: "Nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 là nền tảng cho công lý và sự phát triển của một xã hội phồn thịnh”.

Mặc dù suy đoán vô tội là một nguyên tắc dễ hiểu nhưng thực tiễn pháp lý và áp dụng của nguyên tắc này vẫn gặp nhiều thách thức. “Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội”, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên của Liên hợp quốc, đại diện UNDP tại Việt Nam chia sẻ.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với phóng viên báo Tin tức về phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án dâm ô trẻ em tại Vũng Tàu đang gây bức xúc trong dư luận về mức án với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội vẫn giữ quan điểm rất thận trọng.

Theo ông Hà, khi tòa án kết tội phải căn cứ vào các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, nếu như ta đánh giá, xem xét lại bản án sơ thẩm, phúc thẩm mà thấy không đúng với quy định của Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự về các tình tiết giảm nhẹ mà lại giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo thì bản án đó sẽ được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho hay, chứng cứ chứng minh tội phạm dâm ô trẻ em rất khó do nạn nhân còn nhỏ, tinh thần chưa được ổn định. Việc thu thập chứng cứ để chứng minh có tội hay không là rất khó. "Khi chứng cứ không đủ mà kết tội bị cáo thì lại vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và đi vào vết xe đổ dẫn đến oan sai", ông Hà nói.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Vụ án dâm ô trẻ em tại Vũng Tàu: Ủy ban Tư pháp Quốc hội vẫn giám sát
Vụ án dâm ô trẻ em tại Vũng Tàu: Ủy ban Tư pháp Quốc hội vẫn giám sát

Ủy ban Tư pháp luôn quan tâm đến những phiên tòa được dư luận xã hội chú ý. Do đó, khi biết kết quả phiên phúc thẩm xét xử Nguyễn Khắc Thủy về tội dâm ô trẻ em, Ủy ban đã có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại vụ việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN