Đại biểu Quốc hội trăn trở về đạo đức và văn hóa kinh doanh

Đại biểu Quốc hội cho rằng chuyện rau 2 luống, lợn 2 chuồng mà Thủ tướng phải nhắc đến, bởi không chỉ là chuyện rau, lợn mà là đạo đức làm người, là văn hóa kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội trăn trở về đạo đức và văn hóa kinh doanh ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sau một ngày làm việc, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, những tháng đầu năm 2018, đã có 42 đại biểu phát biểu, 8 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.

Không khí tại phiên thảo luận khá thẳng thắn, có chiều sâu, có tính tranh luận và ít nội dung trùng lắp.

Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp tích cực để phát triển kinh tế-xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2018.

Nội dung được đại biểu thảo luận nhiều nhất phải kể đến đó là sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công và vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong lĩnh vực xã hội, đại biểu bày tỏ bức xúc trước những hiện tượng xã hội còn nhiều điều bất an, bất ổn và không văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đề cập đến những cảnh bạo lực kinh hoàng từ gia đình ra ngoài đường, tới bệnh viện, trường học, những giả dối, lừa đảo từ hàng giả, bằng giả, thực phẩm giả và nhiều thứ giả khác làm suy giảm niềm tin của cộng đồng và quốc tế.

Sự thiếu hiểu biết, thói quen, hành vi vô văn hóa trong giao thông, trong kinh doanh, trong khai thác tài nguyên nuôi trồng, đánh bắt tôm cá gây thiệt hại, tổn thất to lớn về vật chất uy tín đất nước.

"Tôi không có thời gian phân tích thống kê thiệt hại hàng tỷ, ngàn tỷ trực tiếp, gián tiếp do hành vi vô văn hóa, ích kỷ tưởng nhỏ nhưng vô hạn gây ra. Chuyện rau 2 luống, lợn 2 chuồng mà Thủ tướng phải nhắc đến, bởi không chỉ là chuyện rau, lợn mà là đạo đức làm người, là văn hóa kinh doanh. Nhuộm càphê bằng pin không chỉ là lợi nhuận kinh tế mà là tội phạm, sức khỏe con người, vì lợi nhuận người ta sẵn sàng đầu độc đồng bào mình. Nguyên nhân sâu xa có phải do văn hóa con người, văn hóa kinh doanh, văn hóa giao thông, công sở của chúng ta còn những vấn đề bất cập," đại biểu nói.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) bày tỏ trăn trở đối với vấn đề việc làm và chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế cả về thể lực, trí lực và kỹ năng. Còn xảy ra hiện tượng thanh niên dân tộc thiểu số khi khám tuyển nghĩa vụ quân sự hoặc đăng ký tham gia xuất khẩu lao động nhưng không đủ điều kiện về chiều cao và cân nặng. Trình độ lao động thanh niên dân tộc thiểu số chưa cao và chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức. Phần lớn trong số đó không tham gia bảo hiểm xã hội. Nhiều trường hợp vượt biên đi lao động, làm thuê trái phép chưa được bảo vệ. Hoặc ngay trong nước, hiện tượng thanh niên bị lợi dụng sức lao động còn xảy ra.

[Bộ trưởng Nông nghiệp giải trình Quốc hội chuyện "giải cứu nông sản"]

Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu và triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội đối với khu vực lao động phi chính thức và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo an sinh, xã hội lâu dài và tổ chức nghiên cứu một cách khoa học về việc tích hợp các chính sách cùng mục tiêu để tập trung nguồn lực và gắn chính sách với ngân sách. Xây dựng những chính sách tạo động lực và kiên quyết loại bỏ những chính sách không còn phù hợp, hạn chế sự ỷ lại của người dân, tạo niềm tin và tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

"Đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa không muốn khoác lên mình chiếc áo nghèo nhưng do điều kiện về địa hình và tự nhiên rất khắc nghiệt, kinh tế-xã hội hết sức khó khăn nên rất cần sự đồng hành của đồng bào cả nước, sự quan tâm, tạo động lực từ các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực toàn diện, đảm bảo phát triển bền vững và thực hiện sứ mệnh cao cả là thành trì vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc," đại biểu Hà chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội trăn trở về đạo đức và văn hóa kinh doanh ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề cập đến quỹ bảo hiểm xã hội, cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới để thích ứng với tình trạng già hóa dân số. Tuy nhiên, theo đại biểu, đây mới chỉ là một khía cạnh của vấn đề cân đối thu chi của quỹ, mặt khác không kém phần quan trọng và cần được quan tâm là hiệu quả hoạt động của quỹ. Nếu khả năng sinh lời của quỹ bảo hiểm xã hội không đủ bù đắp được tình trạng lạm phát cũng như tốc độ tăng của lương cơ bản, lương tối thiểu, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng không giải quyết được vấn đề.

"Tôi chưa thấy các cơ quan chức năng bàn đến chuyện này," đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Các đại biểu đánh giá cao công cuộc phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh hiện nay với quan điểm "diệt chuột không sợ làm vỡ bình”. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nội bộ, tạo thêm sức mạnh cho sự phát triển.

Sáng mai, 26/5, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017, những tháng đầu năm 2018, tư lệnh ba ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội; Công Thương; Tài chính sẽ tham gia phát biểu ý kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục