Thay đổi hành động vì mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trình bày một chương trình tham vọng với những thay đổi ước tính sẽ giúp cứu sống 29 triệu người từ nay đến năm 2023.
Thay đổi hành động vì mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân ảnh 1Đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam tham gia sự kiện do Thứ trưởng Lê Quốc Cường (ngoài cùng hàng đầu) dẫn đầu. Đại sứ Dương Chí Dũng (giữa, hàng đầu) cùng dự. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Từ ngày 21-26/5, Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 71 diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), quy tụ đông đảo các Bộ trưởng Y tế và đại biểu đến từ 194 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam tham gia sự kiện do Thứ trưởng Lê Quốc Cường dẫn đầu. Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cùng dự các hoạt động của đoàn.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, tại Đại hội đồng Y tế Thế giới, các Bộ trưởng Y tế và đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề y tế toàn cầu trong đó có Kế hoạch chiến lược 5 năm của WHO nhằm hỗ trợ các quốc gia đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe; hành động của WHO trong các tình huống y tế cộng đồng khẩn cấp; vấn đề thiếu và tiếp cận với thuốc và vaccine trên toàn cầu; các vấn đề chuyên môn khác như như thanh toán bệnh bại liệt, gánh nặng toàn cầu về tử vong và thương tổn do rắn cắn, bệnh viêm khớp dạng cấp...

Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 71 mang tính lịch sử, gắn với các hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập WHO (1948-2018). Phát biểu nhân dịp này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh bảy thập kỷ tồn tại và phát triển của WHO đánh dấu những tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho phép kéo dài tuổi thọ của con người trên toàn cầu thêm 25 năm, cứu sống hàng triệu trẻ em và ghi nhận những tiến bộ vượt bậc trong việc xóa bỏ một số căn bệnh gây tử vong cao như bệnh đậu mùa và tới đây sẽ là bệnh bại liệt.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO cũng nhắc tới những thách thức hiện hữu với sức khỏe con người trên toàn cầu. Cụ thể, chưa đến 50% dân số thế giới hiện nay được tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết; mỗi năm thế giới có 13 triệu người, phần lớn sống tại các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, tử vong trước tuổi 70 do các bệnh tim mạch, hô hấp mãn tính, tiểu đường hoặc ung thư; năm 2016, mỗi ngày thế giới ghi nhận 15.000 ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; năm 2010, gần 100 triệu người phải sống trong nghèo khó cùng cực do phải tự chi trả các dịch vụ y tế.

Tại hội nghị năm nay, ông Ghebreyesus trình bày một chương trình tham vọng với những thay đổi ước tính sẽ giúp cứu sống 29 triệu người từ nay đến năm 2023. Chương trình hướng đến các mục tiêu cụ thể như tăng thêm 1 tỷ người được hưởng lợi từ bảo hiểm y tế; tăng thêm 1 tỷ người được bảo vệ tốt hơn trong các tình huống y tế khẩn cấp; và tăng thêm 1 tỷ người có tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh cần phải thay đổi hành động để hiện thực hóa tầm nhìn về một thế giới nơi sức khỏe trở thành quyền lợi của mọi cá nhân.

[WHO hỗ trợ đắc lực giúp Việt Nam phát triển các chính sách y tế]

Phát biểu trước Đại hội đồng Y tế Thế giới trong ngày 22/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Lê Quang Cường nêu rõ nguyên tắc cốt lõi của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là cần phải đảm bảo rằng mọi người, ở mọi nơi đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu có chất lượng.

Hiện nay, Việt Nam đáp ứng được 73% nhu cầu y tế của người dân liên quan đến các dịch vụ y tế thiết yếu, được coi là tương đối cao so với các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khoảng 19% hộ gia đình phải chi tiêu nhiều hơn 10% tổng thu nhập cho các dịch vụ y tế - mức mà WHO coi là không hợp lý. Do đó, Việt Nam đang thiết kế lại các hệ thống cung cấp dịch vụ y tế tại cơ sở để có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc lồng ghép, cùng với việc phân bổ tài chính hợp lý để cải thiện tình trạng này.

Thứ trưởng Lê Quang Cường cũng nhấn mạnh cam kết chính trị của các quốc gia là một yếu tố thiết yếu góp phần vào việc thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tháng 10/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó mục tiêu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là mục tiêu tổng thể trong Nghị quyết chính trị quan trọng này.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Quang Cường chia sẻ ba hành động cụ thể mà ngành y tế Việt Nam cam kết thực hiện trong 12 tháng tới nhằm bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, theo khuyến nghị của Tổng Giám đốc WHO. Theo đó, Việt Nam cam kết tăng số trạm y tế xã thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm (như bệnh tăng huyết áp, tiểu đường) lên 75% vào cuối năm 2019, 95% vào năm 2025, 100% vào năm 2030.

Cam kết thứ hai là mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế từ 86,4% năm 2017 lên 88,5% vào cuối năm 2018. Thứ ba, huy động nguồn lực từ thuế đối với hàng hóa có hại cho sức khỏe (thuốc lá và rượu) và tăng ngân sách công, đặc biệt là quỹ bảo hiểm y tế để phân bổ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (hướng tới mục tiêu chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm 30% trong tổng chi tiêu cho y tế).

Hiện Việt Nam là một trong 34 thành viên của Hội đồng chấp hành WHO với nhiệm kỳ 2016-2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục