TP.HCM: Biến bãi rác ô nhiễm thành vườn cây công nghệ cao

Từ một bãi chôn lấp rác, gây ô nhiễm nghiêm trọng ở TP.HCM, bãi chôn lấp rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, được cải tạo thành một khuôn viên cây xanh cùng nhiều cây ăn trái công nghệ cao.
TP.HCM: Biến bãi rác ô nhiễm thành vườn cây công nghệ cao ảnh 1Nhân công tỉa cành, cắt lá và bao quả tại vườn ổi hơn 1.000 gốc ổi giống Đồng Nai của tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Từ một bãi chôn lấp rác, gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh, bãi chôn lấp rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, đã được cải tạo trở thành một khuôn viên cây xanh cùng nhiều cây ăn trái công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế.

Lối vào Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh mang một màu xanh mát với các bãi cỏ, dừa cảnh, cùng nhiều loại cây lấy lá...

Phân bố khắp khu vực là vườn ổi giống Đồng Nai, Tiền Giang, với hơn 1.000 gốc, vườn mai giống Thủ Đức với hơn 2.000 cây, các loại lan cắt cành và lan chậu, các vườn cây cắt lá cung cấp cho các cửa hàng hoa với nhiều loại khác nhau.

Được chú trọng đầu tư công nghệ cao là sáu nhà màng trồng dưa lưới và dưa lê giống Nhật Bản với diện tích lên đến 12.000m2.

Bà Quách Ngọc Phương, kỹ sư nông nghiệp chăm sóc nhà màng cho biết, trong mỗi nhà màng đều có quạt đối lưu, điều hòa nhiệt độ. Các nhà màng trồng dưa theo công nghệ tưới nhỏ giọt Israel.

Theo đó, việc tưới nước và bón phân đều thực hiện tự động theo quy trình đã cài đặt sẵn, chỉ tốn nhân công cắt tỉa lá, tỉa quả để mỗi cây một quả và treo theo dây lên cao để quả phát triển đều về kích thước.

Nhà màng giúp cho cây trồng tránh được mưa, gió, các loại côn trùng và tán xạ ánh sáng. Mỗi vụ dưa lưới trồng trong 60-75 ngày, trọng lượng mỗi quả 1,6-1,8kg. Dưa trồng theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, siêu thị nên có đầu ra và giá cả ổn định.

TP.HCM: Biến bãi rác ô nhiễm thành vườn cây công nghệ cao ảnh 2Các nhà màng trồng dưa lưới giống Nhật Bản với diện tích lên đến 12.000m2. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Chia sẻ về vườn cây, ông Đoàn Khắc Hùng, Đội trưởng Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiệu quả của vườn cây trong khu vực mang lại là cải tạo môi trường, giúp Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh không mùi, không bụi, tạo cảnh quan và mang lại nguồn lợi kinh tế.

Giá trị kinh tế vườn cây mang lại mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, chủ yếu để trả tiền đầu tư chăm sóc cây và chi phí nhân công.

Theo ông Đoàn Khắc Hùng, diện tích Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh khoảng 44ha và gần như được phủ xanh hoàn toàn.

Trước năm 2001, bãi chôn lấp rác thải Đông Thạnh đã được đổ đất sét dày 4m và lớp sỏi 50cm ở các lối đi. Từ khi bãi chôn lấp rác thải Đông Thạnh được giao về cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, công tác cải tạo đất được thực hiện triệt để hơn.

Trước tiên là trồng cây xanh để cải tạo môi trường, cảnh quan, rồi dần hình thành nên các vườn cây ăn quả, vườn mai, vườn lan và vườn cây lấy lá. Vì đây là đất không tự nhiên nên việc trồng cây gặp nhiều khó khăn, ban đầu phải trồng nhiều loại cây khác nhau rồi chọn lọc dần các loại cây thích nghi với môi trường đất.

Bãi rác Đông Thạnh từng là địa điểm chôn lấp rác của toàn Thành phố Hồ Chí Minh với công suất chôn lấp hơn 10 triệu tấn rác, gây ô nhiễm nghiêm trọng về mùi hôi, nước rỉ rác và nguồn nước ngầm.

Năm 2001, do ô nhiễm môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đóng cửa bãi rác Đông Thạnh, giao bãi rác Đông Thạnh cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị thành phố quản lý và khắc phục ô nhiễm môi trường tại đây.

Bên cạnh việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, biến bãi chôn lấp rác thải Đông Thạnh thành Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh, trồng cây phủ xanh gần như hoàn toàn khu vực, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị thành phố còn phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn và xã Đông Thạnh thành lập Tổ giám sát nhân dân.

Tổ giám sát nhân dân có quyền và nhiệm vụ giám sát hoạt động xử lý rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại của nhà máy nằm trong khuôn viên công trường; giám sát vấn đề xử lý nước thải, mùi hôi của bãi rác cũ cũng như vấn đề trồng cây phủ xanh công trường. Nếu có vấn đề về ô nhiễm môi trường, Tổ giám sát nhân dân sẽ báo cáo với xã, huyện và Công ty để xử lý kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục