Sẽ hình thành hệ thống dịch vụ tư vấn hỗ trợ chuyên nghiệp đối với học sinh

Ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư “Hướng dẫn công tác xã hội trong trường học”, nhằm phát hiện, phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp học sinh cũng như các thành viên trong trường học giải quyết vấn đề của bản thân, tạo những điều kiện phù hợp giúp họ hoàn thành mục tiêu dạy và học.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Những vấn đề khó khăn của học sinh gặp phải rất đa dạng, không chỉ dừng ở việc học tập mà còn ở nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống như nhận diện bản thân, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và gia đình.

Sẽ hình thành hệ thống dịch vụ tư vấn hỗ trợ chuyên nghiệp đối với học sinh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Mặc dù, trong trường học đã có nhiều hoạt động trợ giúp học sinh được triển khai như tư vấn, hoạt động tổ nhóm, câu lạc bộ. Tuy nhiên, những hoạt động trợ giúp chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh ở loại hình dịch vụ, mức độ chuyên nghiệp và sự dễ dàng trong tiếp cận. Nhân lực làm công tác xã hội trong trường học còn thiếu, bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Việc xây dựng Thông tư hướng dẫn công tác xã hội trong trường học là cần thiết nhằm có những giải pháp hỗ trợ học sinh, tiến tới hình thành hệ thống dịch vụ tư vấn hỗ trợ chuyên nghiệp đối với học sinh có các hành vi lệch chuẩn, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trong nhà trường, tạo được quy trình kết nối giữa nhà trường với các tổ chức cung cấp dịch vụ ngoài cộng đồng, với cán bộ công tác xã hội, cán bộ bảo vệ trẻ em và chính quyền địa phương.

Góp ý kiến tại hội thảo, đại biểu đến từ các tổ chức xã hội và các trường đều cho rằng, dự thảo Thông tư rất có ý nghĩa trong việc giải quyết những vấn đề nổi cộm ở trường học. Dự thảo được xây dựng tương đối toàn diện, gồm 5 chương, 13 điều, tập trung làm rõ vai trò của công tác xã hội học đường và các nội dung của công tác xã hội sẽ triển khai tại trường học, trách nhiệm của các cấp trong việc triển khai các hoạt động.

Mục tiêu được đề ra trong dự thảo Thông tư không chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề của học sinh, tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện mà còn giúp các em hướng tới sự thành công trong học tập và cuộc sống. Đồng thời, hướng dẫn cha mẹ học sinh tham gia cùng nhà trường trong việc giáo dục học sinh, tăng cường kỹ năng làm cha mẹ; hỗ trợ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong giáo dục học sinh.

Theo khuyến nghị của các đại biểu, hiện nay, các trường chưa có nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp thì cần lựa chọn trong đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường đảm nhận vị trí này. Bên cạnh đó, có thể bổ sung các hoạt động can thiệp, hỗ trợ giáo viên và phụ huynh để phòng ngừa tổng thể các nguy cơ.

Thông tư về hoạt động công tác xã hội trong trường học cần sớm ban hành để hướng dẫn các trường thực hiện, hướng tới xây dựng những văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thực hành nghiệp vụ công tác xã hội trong trường học.

Việt Hà (TTXVN)
Lộ video vỗ má, giật tóc học sinh ngủ gật, cô giáo phải từ chức
Lộ video vỗ má, giật tóc học sinh ngủ gật, cô giáo phải từ chức

Một giáo viên Mỹ đã buộc phải về hưu sớm sau khi video ghi lại cảnh bà đứng trên bàn, giật tóc và vỗ vào má một học sinh được tung lên mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN