Tái cơ cấu tổ chức tín dụng: những bước đi phù hợp

14:52' - 08/05/2018
BNEWS Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, ngành ngân hàng đang triển khai cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, bền vững của tổ chức tín dụng.
Ngày 8/5, tại diễn đàn, toàn cảnh Ngân hàng: “Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững”, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho hay, ngành ngân hàng đã và đang quyết liệt triển khai cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, bền vững của tổ chức tín dụng, từ đó tạo tiền đề vững chắc để kiềm chế lạm phát, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế
Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng với chủ đề “Ngân hàng 2018 - Hướng tới phát triển bền vững”. Ảnh: Hoàng Hà - TTXVN
Bước đi phù hợp 
Nhìn nhận về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đã có bước đi phù hợp.
“Trước đây khi báo cáo hàng năm của Chính phủ trình Quốc hội bao giờ cũng có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nhưng đến bây giờ nhận thức đó chỉ là chỉ tiêu định hướng, đó không phải là chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải bơm tiền ra để đạt được. Đây là nhận thức đột biến rất quan trọng”, ông Kiên nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết những năm gần đây điểm mới mà Ngân hàng Nhà nước tập trung vào các mục tiêu cuối cùng đó là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng là các chỉ tiêu trung gian và nó phù hợp với diễn biến thực tế, không phải là chỉ tiêu pháp lệnh.
Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 17%, có điều chỉnh với tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phân bổ các chỉ tiêu tín dụng đó cho các tổ chức tín dụng. Trong quá trình điều hành, các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước vừa ra các chỉ thị tín dụng, vừa phối hợp để kiểm soát tốc độ tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng để đảm bảo tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro.
Thực tế, trong 4 tháng đầu năm vừa qua tín dụng tăng trưởng ở mức độ hợp lý, trên 5% tương đối đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn để đảm bảo thanh khoản của hệ thống luôn được ổn định và giữ vững, mặt bằng lãi suất ổn định.
Bên cạnh đó, ông Phạm Thanh Hà cũng chỉ ra thêm điểm mới của 2 năm trở lại đây (2017- 2018) tín dụng tăng trưởng khá đều ngay từ đầu năm và điều này phản ánh được tính ổn định của nền kinh tế đã tốt hơn rất nhiều so với các năm trước đây, vì tín dụng ngân hàng phản ánh vào diễn biến của nền kinh tế.
Trước đây, những tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng thường thấp do hoạt động của nền kinh tế thường chậm lại đầu năm nhưng hai năm trở lại đây, 4 tháng đầu năm tín dụng tăng trên 5% và tăng hơn mức khá cao so với các năm trước đây thường chỉ khoảng 3-3,5% thời gian đầu năm.
“Điều này chứng tỏ tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm và cơ cấu tín dụng cũng khá hợp lý, hướng các dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực cho phát triển kinh tế. Với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro Ngân hàng Nhà nước liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng luôn phải quan tâm để đảm bảo chất lượng tín dụng”, ông Phạm Thanh Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Hà, vẫn còn nhiều gian nan trong điều hành chính sách tiền tệ, do đó cần tiếp tục kiên trì bám sát thị trường, chống đỡ tốt hơn đối với những cú sốc, diễn biến khó lường để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Chuyên gia kinh tế, TS. Phan Minh Ngọc cũng cho rằng một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là môi trường kinh tế vĩ mô và chính sách ổn định. Ngân hàng Nhà nước không bị buộc phải thi hành chính sách nới lỏng như trước đây để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tối đa.
Nợ xấu được kiểm soát dưới 3%,
Theo ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) trong giai đoạn 2011 - 2015, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ trên toàn ngành ngân hàng với một số kết quả như sự ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững và từng bước cải thiện, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng từng bước cải thiện; số lượng các tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém giảm dần; sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước quan trọng. Khung pháp lý về tiền tệ và ngân hàng được tập trung hoàn thiện, hình thành đồng bộ hơn các chuẩn mực, thiết chế an toàn; nợ xấu tiếp tục được kiểm soát hiệu quả và duy trì ở mức dưới 3%…
Ông Phạm Huyền Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối năm 2017 đã giảm hơn so với mức 2,46% cuối năm 2016.
Nhưng hoạt động tái cơ cấu và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu giữ tài sản do khách hàng không hợp tác bàn giao tài sản; một số cơ quan chức năng (UBND, cơ quan công an,…) chưa phối hợp, tham gia hỗ trợ một cách tích cực để giải quyết khó khăn cho tổ chức tín dụng; khó khăn về mặt truyền thông trong quá trình thu giữ tài sản theo tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó là những vướng mắc liên quan đến việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước về cả mặt pháp lý và thực tiễn triển khai. Để nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, vấn đề cơ bản đặt ra là phải tăng vốn cho các ngân hàng này thông qua một số hình thức như: bán cổ phần cho nhà đầu tư (trong nước, ngoài nước) và sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn.
Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng thương mại Nhà nước chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi đó, tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước.
Việc tăng vốn điều lệ để cải thiện, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cơ cấu lại ngân hàng thương mại Nhà nước được đề ra tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020".
Theo đó, yêu cầu đặt ra là giữ vững nguyên tắc bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại Nhà nước (đối với các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; riêng đối với Agribank thì triển khai các bước để thực hiện cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ).
Tuy nhiên, hiện một số bộ, ngành chậm hoặc chưa thực hiện xong việc ban hành chương trình/kế hoạch hành động cụ thể triển khai Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020".
Bên cạnh đó, mặc dù về cơ bản, quá trình triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tuy nhiên tại một số nơi Cơ quan công an, UBND tỉnh, thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể (tới UBND, cơ quan công an cấp huyện, xã) nên còn vướng trong phối hợp xử lý.
Với những tồn tại trên, ông Phạm Huyền Anh cũng cho rằng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai một số giải pháp để khắc phục. Đó là hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt/chấp thuận chủ trương và theo dõi, giám sát việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đẩy mạnh cơ cấu lại các Ngân hàng thương mại Nhà nước cũng như triển khai phương án nâng cao năng lực tài chính các ngân hàng này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, tăng cường củng cố, chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; kiên quyết xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, không có khả năng phục hồi. Kiên quyết xử lý dứt điểm sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu cổ phiếu dẫn tới chi phối ngân hàng của cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn, lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng cổ phần theo lộ trình thích hợp.
Để tăng hiệu quả cho hoạt động tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc xử lý tài sản đảm bảo còn vướng ở khâu thuế chuyển nhượng tài sản đảm bảo. Nên Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường gỡ vướng mắc này. Hiện có tình trạng tài sản đảm bảo bán xong rồi nhưng người mua không sử dụng được do thuế chưa chuyển về.
Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, để có sự triển khai đồng bộ nhằm phát triển thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, cũng như tạo sự bền vững cho các ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục