Thí điểm quản lý tổng hợp lưu vực sông cấp quốc gia

Các dự án thí điểm cấp quốc gia sẽ thực hiện tại các lưu vực sông được lựa chọn ở mỗi nước, là các điểm nghiên cứu quản lý tổng hợp lưu vực sông để nhân rộng và vận dụng những thực hành tốt.
Thí điểm quản lý tổng hợp lưu vực sông cấp quốc gia ảnh 1(Ảnh minh họa: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 23/5, Tổng cục Môi trường tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện văn kiện dự án khu vực-hợp phần Việt Nam về “Giảm thiểu ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường các biển Đông Á thông qua quản lý tổng hợp lưu vực sông.”

Dự án này được triển khai tại 7 nước thành viên ASEAN gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Lào và Việt Nam.

Các dự án thí điểm cấp quốc gia sẽ thực hiện tại các lưu vực sông được lựa chọn ở mỗi nước, là các điểm nghiên cứu quản lý tổng hợp lưu vực sông để nhân rộng và vận dụng những thực hành tốt, công cụ và bài học từ các thí điểm quốc gia cho các lưu vực sông trong mỗi nước tham gia và trong khu vực ASEAN nói chung.

Theo bà Trần Thị Lệ Anh, Tổng cục Môi trường, Dự án thí điểm quốc gia ở Việt Nam là “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng biển ven bờ Quảng Nam-Đà Nẵng.”

Dự án gồm 4 hợp phần và tổ chức thực hiện dựa trên ba cấp là khu vực, quốc gia và địa phương, có đại diện của các tổ chức chính quyền, doanh nghiệp và phi chính phủ. Dự án cũng sẽ chú ý tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động cấp địa phương và quốc gia.

Ông Juergen Lorenz, chuyên gia Cơ quan hợp tác quản lý môi trường biển Đông Á cho biết dự án đặt mục tiêu tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước, giảm tải lượng ô nhiễm do các chất dinh dưỡng và từ các hoạt động khác trên đất liền, duy trì dòng chảy môi trường nước ngọt và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Với nguồn vốn tài trợ hạn hẹp 1 triệu USD và 3 triệu USD tiền đối ứng, các thành viên dự án Việt Nam phải sử dụng thật tốt và tìm kiếm thêm các nguồn vốn tài trợ khác như nghiên cứu, đánh giá và có những hoạt động cụ thể để tìm thêm đối tác.

Dự án muốn xây dựng mô hình mà việc thu thập thông tin, cơ chế chia sẻ, đánh giá, thực hiện linh hoạt, giám sát để kéo dài trong cả giai đoạn 5 năm.

Theo ông Juergen Lorenz, một số hoạt động cụ thể liên quan đến dự án ở Việt Nam như xử lý chất thải rắn, tăng cường năng lực cho cán bộ liên quan; bảo dưỡng, duy tu hệ thống quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tại Quảng Nam, Đà Nẵng.

Dự án này có ưu điểm là theo hướng tiếp cận mới, triển khai thực tế nên sẽ đạt kết quả nhanh hơn, thúc đẩy việc nhân rộng mô hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục