Tháo gỡ khó khăn trong triển khai mô hình giáo dục STEM

Những năm gần đây, mô hình giáo dục STEM đã bắt đầu được quan tâm ở những thành phố lớn, bước đầu thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó đặc biệt là dần hình thành nhận thức trong giáo viên, học sinh về một mô hình giáo dục tiên tiến, mang xu hướng toàn cầu.

Song, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn và lúng túng, thiếu tính bao quát trong định hướng phát triển mô hình này tại các trường phổ thông trên địa bàn Thủ đô. Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội thảo Giáo dục STEM cho học sinh phổ thông Hà Nội do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức, chiều 25/5.

Các trường học đi đầu trong công tác giáo dục STEM cho học sinh phổ thông báo cáo tham luận, chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Mô hình giáo dục STEM là một hướng tiếp cận, xu hướng dạy học mới. STEM là từ viết tắt của: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán). Giáo dục STEM trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực nói trên. Các kiến thức, kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép, bổ trợ nhau, giúp học sinh hiểu biết về nguyên lý và thực hành tạo ra sản phẩm.

Tại Việt Nam, từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội đồng Anh đã triển khai chương trình thí điểm giáo dục STEM cho một số trường trung học các tỉnh, thành phố. Hà Nội là một trong 5 tỉnh triển khai đầu tiên mô hình này.

Đánh giá về những năm học đầu tiên triển khai mô hình, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, bên cạnh những kết quả bước đầu của mô hình STEM tại các trường phổ thông, thực tế cho thấy còn nhiều cán bộ quản lý, giáo viên chưa hiểu thấu đáo cũng như chưa định hướng phát triển có điểm đến của mô hình này. Điều này đã dẫn đến tình trạng lúng túng và thiếu tính bao quát trong phát triển ứng dụng mô hình STEM tại các trường.

Các chủ đề STEM chưa thay thế được các tiết học truyền thống, chưa chú trọng khâu “thiết kế”, nhiều dự án làm lại theo mẫu, theo quy trình có sẵn, thiếu tính sáng tạo. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá và tổ chức thi cũng chưa tương thích với những tư tưởng của giáo dục STEM.

Chính nếp nghĩ “thi gì học nấy” đã trở thành một trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường phổ thông. Ví dụ như Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia hay Kỳ thi vào lớp 10 được thi bằng các bài thi trắc nghiệm, trong khi STEM lại là sản phẩm. Do đó, các khối lớp 8 và 11 đã phải nói “không” với STEM để học sinh dồn sức ôn luyện thi trắc nghiệm.

Các đại biểu nhận định, hoàn cảnh thực tế về trình độ và năng lực của đội ngũ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương… là những khó khăn cho việc khai thác, áp dụng những điểm mạnh của giáo dục STEM. Đặc biệt là các trường ở khu vực nông thôn còn hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, trước tiên, những nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh cần hiểu cụ thể khái niệm STEM, cần nhận thức đầy đủ giáo dục STEM trong thời buổi công nghệ 4.0 và đặc biệt là trong việc đổi mới chương trình sách giáo khoa. Giáo dục phải gắn liền với thực tiễn, học sinh phải được trải nghiệm trong thực tế.

“Đừng nghĩ rằng STEM là cái gì xa vời, khó làm, khó thực hiện. Muốn thay đổi nhận thức đó, phải tập huấn cho cán bộ quản lý và cán bộ cốt cán các nhà trường. Tới đây, Hà Nội sẽ có 30 buổi tập huấn về STEM được tổ chức tại 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Sau đó, các cán bộ quản lý và cán bộ cốt cán này sẽ tập huấn lại cho đội ngũ giáo viên; đồng thời tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về những lợi ích của mô hình STEM”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Từ mô hình “Bàn tay nặn bột” đã triển khai, ông Phạm Xuân Tiến gợi ý, các nhà trường cần chú trọng ngay từ việc nghiên cứu sách giáo khoa để xem liệu có thể áp dụng được mô hình STEM hay không? Học sinh sẽ đam mê với bài giảng, hứng thú với môn học, đó chính là mục tiêu hướng tới của STEM. Để làm được điều đó, rất cần sự ủng hộ, khuyến khích của Ban Giám hiệu và sự vào cuộc của giáo viên.

Trong năm học 2018 - 2019, bên cạnh việc mở rộng tập huấn với 30 Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường, cụm trường Trung học Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng “Nguồn học liệu mở” - thư viện câu hỏi, bài tập, đề thi, kế hoạch bài dạy, tài liệu tham khảo có chất lượng trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tích cực tham gia “Trường học kết nối” về xây dựng các chuyên đề dạy học tích hợp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục áp dụng một số kinh nghiệm và mô hình giáo dục tiên tiến của giáo dục STEM; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn cho học sinh, hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu của “học” qua “hành” trong giáo dục STEM. Sở sẽ có những hỗ trợ thông qua các cơ chế đa dạng như đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nguồn học liệu, chuyển giao chương trình và nguồn tư liệu hay thí điểm các ý tưởng mới để triển khai giảng dạy STEM trong các nhà trường.

Bên cạnh đó, trong năm học tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ, tổ chức tốt việc huấn luyện các giáo viên, cán bộ quản lý về dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuyên đề tích hợp, liên môn, tổ chức công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và cuộc thi khoa học kỹ thuật… Điều này sẽ hỗ trợ cho giáo viên trong việc tiếp cận với các phương pháp giáo dục hiện đại STEM…

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Giúp trẻ vui học với đồ chơi STEM
Giúp trẻ vui học với đồ chơi STEM

Chỉ cần những nguyên liệu đơn giản như: Tờ giấy, thanh gỗ, ống nhựa, cúc áo… các em có thể thỏa sức sáng tạo ra những món đồ chơi yêu thích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN